[SINH VIÊN] HỌC KỸ NĂNG GIAO TIẾP - LÀ HỌC GÌ?

[SINH VIÊN] HỌC KỸ NĂNG GIAO TIẾP - LÀ HỌC GÌ?
Giao tiếp là một khía cạnh không thể phủ nhận quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trong thời đại hiện đại khi mối quan hệ xã hội trở nên ngày càng phức tạp và đa dạng. Đối với sinh viên, việc học và phát triển kỹ năng giao tiếp không chỉ là một yếu tố quan trọng để thành công trong học tập và sự nghiệp sau này, mà còn là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ tốt và đạt được sự tự tin, xây dựng thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp. Những lợi ích của kỹ năng giao tiếp thì hầu hết ai cũng biết và hiểu rõ.
Thế nhưng, học kỹ năng giao tiếp là học gì nhỉ?
Lúc trước mình nghĩ rằng, giao tiếp tốt là chỉ cần nói chuyện mượt mà, tỏ ra vui vẻ và thân thiện với những người xung quanh. Vậy thì mình chỉ cần học cách phát âm cho chuẩn tiếng phổ thông, nói chuyện cho rõ ràng, rành mạch. Đúng, nhưng chưa đủ!
Học kỹ năng giao tiếp là quá trình học cách hiểu và làm cho người khác hiểu mình, thông qua lời nói, hành động, và cả ngôn ngữ cơ thể. Nó cũng bao gồm việc lắng nghe và hiểu rõ người khác, xử lý mâu thuẫn, và tạo ra sự kết nối với mọi người xung quanh. Bạn thấy đấy, đây là sự giao tiếp cả hai chiều: Hiểu mình và hiểu đối phương.
Mình đã từng làm tổn thương nhiều người xung quanh mình vì cách giao tiếp. Mình đã không hề nhận ra trước đó, cho tới một ngày một người bạn của mình nói rằng: Bạn ấy đã từng nhiều lần cảm thấy tổn thương khi giao tiếp với mình. Mình đã ngẫm nghĩ rất nhiều và bắt đầu “Học về kỹ năng giao tiếp”.
Sau khi tham gia một vài buổi chia sẻ của các anh chị mentor, đọc sách, xem các video trên Youtube/ Facebook,... Mình rút ra một vài điều cần chú ý học để kỹ năng giao tiếp tốt hơn như sau:
1. Kỹ năng ngôn ngữ:
Khả năng sử dụng từ ngữ phù hợp và hiệu quả, cũng như khả năng biểu đạt ý kiến một cách rõ ràng và dễ hiểu. Mình là dân tỉnh lẻ, nên có nhiều từ ngữ còn phát âm tiếng địa phương khá nặng, nên khi giao tiếp mình hạn chế dùng tiếng địa phương nhất có thể, đây không phải là phân biệt vùng miền hay gì, mà chỉ là mình mong muốn mọi người có thể hiểu được những gì mình nói một cách dễ dàng.
2. Kỹ năng lắng nghe: Khả năng tập trung và hiểu rõ ý kiến của người khác, đồng thời thể hiện sự quan tâm và tôn trọng. Muốn một ai đó lắng nghe bạn, thì bạn cũng phải làm như vậy với họ - phải lắng nghe họ. Lắng nghe bằng tâm và sự tôn trọng như vậy thì bạn mới không rơi vào trường hợp: “Nghe chứ không phải lắng nghe”.
3. Kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ: Sử dụng ngôn ngữ cơ thể (body language), biểu cảm, ánh mắt,... Mình biết rằng, có rất nhiều lúc mình muốn truyền đạt những ý kiến và suy nghĩ của mình, nhưng vốn từ có thể chưa đáp ứng được nhu cầu đó ngay, thì cơ thể có thể giúp đỡ mình một phần. Hơn nữa, body language sẽ giúp cho phong thái của bạn trông tự tin và chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
4. Kỹ năng quản lý và xử lý mâu thuẫn: Ngừng phán xét và chỉ trích. Khi một mâu thuẫn xảy ra, mình sẽ cố gắng lắng nghe và tôn trọng đối phương dù mâu thuẫn đang cao trào. Trước kia mình hay vội vàng đưa ra phán xét và đánh giá, thậm chí là chỉ trích. Mình nhận ra, càng cố gắng bảo vệ cái tôi của bản thân thì mình dễ rơi vào tình huống xấu nhất của mâu thuẫn. Nên là, hãy từ từ, suy nghĩ thấu đáo nhé. Khi quản lý cảm xúc tốt, thì mẫu thuẫn rồi sẽ được xử lý thôi.
Đến bây giờ mình vẫn học về kỹ năng giao tiếp, mình nghĩ rằng kỹ năng này nên được học và thực hành liên tục. Đôi lúc mình vô tình làm tổn thương ai đó bằng cách giao tiếp của mình, nhưng bản thân đâu nhận ra, người tổn thương thì nhớ mãi - còn người gây ra sự tổn thương đó lại chẳng hay biết.
Thừa nhận, tới tận bây giờ, mình vẫn chưa thực sự tốt trong giao tiếp, đặc biệt là cách giao tiếp với những người yêu thương mình. Đây là điều mình cần học và sửa đổi nhiều hơn nữa.
Bạn thì sao nhỉ? Bạn có đang học kỹ năng giao tiếp không?